Blog

Các hoạt động của chúng tôi
giống cà phê

Tái Canh Cây Cà Phê

Tại hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2020, vấn đề hỗ trợ đầu tư tái canh cây cà phê được bàn thảo khá kỹ. Bởi, đây là thực tế cần cấp thiết giải quyết đối với vùng chuyên canh cà phê như Tây Nguyên.

Lâu nay, sản xuất cà phê có tác động lớn đến tình phát triển kinh tế của Tây Nguyên vì mang lại nguồn lợi xuất khẩu lớn. Những năm gần đây, bình quân kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD, riêng năm 2019 đạt 2,7 tỷ USD, đưa nước ta đứng vững ở vị trí thứ 2 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê.

Tính đến thời điểm hiện nay, trong tổng diện tích 550 nghìn héc-ta cà phê của cả nước có khoảng 135 nghìn héc-ta già cỗi cần phải thay thế và cứ sau một năm lại có thêm 40 nghìn héc-ta già cỗi. Vì vậy, nếu không được đầu tư tái canh kịp thời, thì những năm tới đây năng suất, sản lượng cà phê của nước ta sẽ sụt giảm, thu nhập và đời sống một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là nông dân vùng Tây Nguyên sẽ chịu những tác động tiêu cực. Trong khi hơn 80% diện tích cà phê đang do các hộ nông dân quản lý và sản xuất, khả năng về tài chính, nhất là vốn hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong tái canh cà phê của bà con nông dân còn nhiều hạn chế. Theo tính toán của Vicofa, để tái canh 1ha cà phê cần nguồn vốn khoảng 100 triệu đồng; bên cạnh đó, các khâu như cải tạo đất, trồng, chăm sóc, phòng chống dịch hại cho cây cà phê tái canh đòi hỏi quy trình kỹ thuật vô cùng khắt khe mới bảo đảm tỷ lệ cây sống và cho năng suất cao. Thực tế, nếu để nông dân tái canh cà phê theo kinh nghiệm truyền thống thì diện tích vườn cây thành công chỉ đạt hơn 10%.

giống cà phê việt nam
giống cà phê việt nam

Vì vậy, vấn đề hỗ trợ “trẻ hóa” vườn cà phê già cỗi hiện nay vừa là công việc cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Với các doanh nghiệp, việc hỗ trợ có thể chỉ cần tập trung vào giải quyết khoản vốn đầu tư. Nhưng đối với nông hộ, cái bà con cần không chỉ là tài chính, mà còn là cây giống, kỹ thuật cải tạo đất, phòng, chống dịch bệnh và quy trình chăm sóc sau tái canh… Để giải quyết tốt các khâu trên, cần tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “liên kết 4 nhà”. Trong đó chính sách tài chính đầu tư tái canh của Nhà nước là khâu quan trọng nhất; tiếp theo là sự vào cuộc của các nhà khoa học trong nghiên cứu, phổ biến quy trình kỹ thuật tái canh cà phê; tổ chức tập huấn, tham quan những mô hình tái canh cà phê thành công để nông dân học hỏi kinh nghiệm.

Tổng kinh phí đầu tư cho tái canh hàng trăm nghìn héc-ta cà phê già cỗi là rất lớn và phải kéo dài trong vài ba năm. Vì vậy, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, cần phải huy động thêm nguồn vốn từ nhiều kênh khác. Tiếp tục nhân rộng mô hình “liên kết 4 nhà”, tạo điều kiện để nông dân trồng cà phê được tiếp cận với nguồn vốn vay, tiếp thu khoa học kỹ thuật phục vụ việc “trẻ hóa” diện tích cà phê, góp phần xây dựng vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao cho cả nước.